Saturday, 20/04/2024 - 11:01|
CỔNG THÔNG TIN TRƯỜNG THPT ĐAKRÔNG (31/08/2001)
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CẢM XÚC – XÃ HỘI CHO GIÁO VIÊN: MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TRONG VIỆC NÂNG CAO NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CHO ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT ĐAKRÔNG, TỈNH QUẢNG TRỊ

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CẢM XÚC – XÃ HỘI CHO GIÁO VIÊN:

MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TRONG VIỆC NÂNG CAO
NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CHO ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
TRƯỜNG THPT ĐAKRÔNG, TỈNH QUẢNG TRỊ

ThS. Lê Chí Thông

Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông, tỉnh Quảng Trị

 1. Đặt vấn đề

        Phát triển đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề chiến lược của mỗi quốc gia vì họ là nhân tố quyết định trực tiếp chất lượng giáo dục, là khâu đột phá, trọng tâm của công cuộc đổi mới giáo dục. “Cho dù chúng ta có được những chương trình giáo dục tốt, có những bộ sách giáo khoa hoàn hảo và cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, nhưng chất lượng người thầy trung bình thì có thể khẳng định chắc chắn rằng, đó là một nền giáo dục không có tương lai” [1, tr. 427].

       Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo như hiện nay [4], năng lực của đội ngũ giáo viên đang còn những hạn chế nhất định. Kết quả khảo sát thực trạng năng lực dạy học của giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho thấy, tuy giáo viên đã có những năng lực cần thiết để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng số giáo viên có năng lực vững chắc chỉ đạt trên dưới 20%, những giáo viên đã có năng lực nhưng chưa vững chắc chiếm tỉ lệ khá cao. Tỉ lệ giáo viên chưa có các năng lực dạy học theo yêu cầu đổi mới cũng còn khá nhiều. Theo đó, xét về các năng lực dạy học tích hợp, lồng ghép, liên môn thì có tới gần 60% giáo viên cho rằng không vững chắc. [1]

        Trường THPT Đakrông được thành lập vào tháng 8 năm 2001, đến nay, đội ngũ nhà trường có: 01 Hiệu trưởng, 02 Phó Hiệu trưởng, 03 nhân viên, 41 giáo viên đứng lớp, có 32 nữ, 01 dân tộc thiểu số, có 23 đảng viên, người lớn tuổi nhất là 42 tuổi, nhỏ nhất là 23, độ tuổi trung bình là 31 tuổi; 100% được đào tạo đạt chuẩn, có 14,8% trên chuẩn. So với định biên được giao, trường còn thiếu 01 Phó hiệu trưởng, 08 giáo viên đứng lớp, 03 nhân viên. Trường có 22 lớp, 814 học sinh (có 482 nữ, 595 dân tộc thiểu số). Trong những năm vừa qua, nhìn chung đội ngũ của nhà trường đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp; tận tuỵ với công việc trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều nhà giáo đã chăm chút giữ gìn lương tâm, danh dự; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, với đồng nghiệp. Trong công tác chuyên môn, thực hiện công bằng trong giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, chống tiêu cực và bệnh thành tích. Trong công tác nghiên cứu, đã thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học, giáo dục, nhất là những yêu cầu mới của Chương trình cải cách giáo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra và đã đạt được những kết quả quan trọng.

      Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, không tuân thủ những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp, còn nóng nảy, ứng xử thiếu thân thiện đối với học sinh, đồng nghiệp, chưa tạo được niềm tin yêu của học sinh. Nhìn rộng ra trong bình diện cả nước trong thời gian gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường liên quan đến giáo viên đang có xu hướng gia tăng. Nhiều giáo viên có những hành vi, ứng xử lệch chuẩn đối với học sinh và đồng nghiệp, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, bị xã hội lên án, pháp luật trừng trị. Những hành vi này đã gây nên những cú sốc tâm lý lâu dài đối với học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập và sự phát triển nhân cách của các em.

       Vấn đề ở đây là những hành vi của những giáo viên này không phải xuất phát từ việc trình độ chuyên môn hạn chế, phương pháp giảng dạy chưa tốt hay thâm niên công tác còn ít mà phần lớn là do sự thiếu hụt về kỹ năng tương tác xã hội, quản lý cảm xúc, giải quyết xung đột… hay còn gọi là kỹ năng cảm xúc – xã hội.

       Xuất phát từ thực trạng trên, có thể nói rằng việc bồi dưỡng năng lực cảm xúc - xã hội cho đội ngũ giáo viên là hết sức cần thiết. Đây là một trong những cách tiếp cận mới để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của giáo viên trong bối cảnh hiện nay.

       Ý thức được tầm quan trọng của năng lực cảm xúc – xã hội, trong năm học 2018 – 2019, Trường THPT Đakrông đã đưa nội dung này vào trong chương trình bồi dưỡng giáo viên của nhà trường. Bài viết này sẽ giới thiệu khái quát về năng lực cảm xúc – xã hội và các hoạt động nhằm nâng cao năng lực này cho đội ngũ giáo viên của Trường THPT Đakrông.

2. Nội dung

2.1. Năng lực cảm xúc – xã hội là gì?

       Việc phát triển năng lực cảm xúc – xã hội có nguồn gốc từ những những nghiên cứu khoa học về trí tuệ cảm xúc của Salovery và Mayer (1990) và sau này là Goleman (1995). Nhằm thúc đẩy việc phát triển năng lực cảm xúc – xã hội, Tổ chức hợp tác về học tập các môn văn hóa học đường, xã hội và cảm xúc (Collaborative for Academic, Social, and Emotional Learning, CASEL) đã thành lập năm 1994. Sứ mệnh của CASEL là thiết lập việc học xã hội và cảm xúc như là phần thiết yếu của giáo dục. CASEL tìm kiếm những cách thức tốt nhất để thúc đẩy việc học kỹ năng xã hội và cảm xúc, cung cấp các chương trình tập huấn cho các nhà quản lý giáo dục và các nhà giáo về cách thức làm cho việc học kỹ năng xã hội, cảm xúc là nền tảng cho sự thành công học thuật, thực hiện các nghiên cứu về các chương trình thực hành có hiệu quả nhất cho các nhà giáo, các nhà nghiên cứu và những người hoạch định chính sách. [3]

       Để phát triển năng lực cảm xúc – xã hội, tổ chức CASEL đã đề xuất chương trình Học tập cảm xúc – xã hội (Social and emotional learning - SEL). SEL được định nghĩa như là quá trình mà thông qua đó trẻ em và người lớn đạt được và vận dụng một cách hiệu quả các kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để hiểu và quản lý cảm xúc; đặt ra và đạt các mục tiêu hiệu quả; cảm thấy và thể hiện sự đồng cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực; đưa ra và thực hiện những quyết định có trách nhiệm. Xét một cách cụ thể, trong ứng xử với chính mình, SEL giúp cá nhân nhận ra cảm xúc của mình; học cách để quản lý, điều chỉnh cảm xúc; đề ra và đạt những mục tiêu tích cực. Trong ứng xử với những người khác, SEL giúp cá nhân phát triển sự cảm thông, đồng cảm, thấu cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ một cách tích cực; đưa ra quyết định có trách nhiệm. SEL cũng tập trung vào việc ứng xử với các tình huống trong đời sống trên tinh thần xây dựng và dựa vào các chuẩn mực đạo đức. [2] [3]

      Theo tổ chức CASEL, năng lực cảm xúc – xã hội gồm 5 thành phần thuộc về nhận thức, tình cảm và hành vi; chúng có tương quan, liên hệ chặt chẽ với nhau [2] [3]:

      - Tự nhận thức là năng lực cho phép cá nhân nhận diện chính xác những cảm xúc và suy nghĩ của bản nhân và ảnh hưởng của chúng đối với hành vi. Khả năng hiểu rõ về bản thân mình, đánh giá những mặt mạnh, yếu của bản thân để phát huy hoặc hoàn thiện bản thân. Nhóm năng lực này bao gồm những khía cạnh cụ thể như: Nhận diện cảm xúc; Nhận thức chính xác về bản thân; Xác định điểm mạnh của bản thân; Tự tin; Cái tôi hiệu quả.

     - Tự quản lý là năng lực cho phép cá nhân ứng phó được những căng thẳng hàng ngày và kiểm soát được cảm xúc của mình trong những tình huống khó khăn. Khả năng này bao gồm cả quản lý căng thẳng (stress), kiểm soát xung động, tạo động cơ cho bản thân, thiết lập và làm việc hướng tới việc đạt được mục tiêu cá nhân và mục tiêu học tập. Nhóm năng lực này bao gồm các lĩnh vực sau: Khống chế xung đột; Quản lý stress; Kỷ luật bản thân; Động lực cá nhân; Thiết lập mục tiêu; Kỹ năng tổ chức.

     - Nhận thức xã hội là năng lực cho phép cá nhân đứng trên quan điểm của người khác và đồng cảm với họ và thông cảm với những người xuất thân từ những hoàn cảnh sống và từ những nền văn hóa khác với cá nhân mình, để hiểu rõ các chuẩn mực đạo đức xã hội của hành vi, và xác định được các nguồn lực hỗ trợ từ phía gia đình, trường học và cộng đồng. Nhóm năng lực này bao gồm các lĩnh vực sau: Đứng trên quan điểm của người khác; Đồng cảm; Tôn trọng sự khác biệt; Tôn trọng người khác.

     - Kỹ năng quan hệ xã hội là năng lực cho phép cá nhân phát triển và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người khác. Khả năng này bao gồm giao tiếp rõ ràng, lắng nghe tích cực, hợp tác, chống lại áp lực xã hội không phù hợp, đàm phán xung đột trên tinh thần xây dựng, tìm kiếm và cung cấp sự giúp đỡ khi cần thiết. Nhóm năng lực này bao gồm những lĩnh vực sau: Giao tiếp; Tham gia vào cộng đồng/xã hội; Xây dựng các mối quan hệ; Làm việc nhóm.

     - Đưa ra quyết định có trách nhiệm là năng lực giúp cá nhân cân nhắc nhiều yếu tố thực hiện những lựa chọn mang tính xây dựng và tôn trọng hành vi cá nhân và tương tác xã hội trên cơ sở: các tiêu chuẩn đạo đức, sự bình ổn về tâm lý, các chuẩn mực xã hội, kết quả/hậu quả của các hành động khác nhau, hạnh phúc của mình và người khác. Nhóm năng lực này bao gồm những thành tố sau: Xác định vấn đề; Phân tích vấn đề; Giải quyết vấn đề; Đánh giá; Phản ánh (Reflecting); Ra trách nhiệm có tính đạo đức.

2.2. Vai trò năng lực cảm xúc – xã hội của giáo viên

     Dựa trên tổng quan các nghiên cứu thực chứng về năng lực cảm xúc – xã hội của giáo viên, Trần Thị Tú Anh, Nguyễn Phước Cát Tường, Đinh Thị Hồng Vân (2017) cho rằng năng lực cảm xúc – xã hội có vai trò lớn đối với hoạt động nghề nghiệp của người giáo viên. Trước hết, năng lực cảm xúc – xã hội giúp giáo viên duy trì niềm tin và lòng yêu nghề. Dạy học là một trong những nghề chịu nhiều stress cao nhất [6]. Hiện nay, giáo viên phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như những áp lực từ gia đình và xã hội trong việc cải thiện thành tích học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh; những đáp ứng về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trước yêu cầu đổi mới giáo dục; những khó khăn trong giáo dục học sinh cá biệt… Trước những thách thức, khó khăn đó, không ít giáo viên đã không quản lý tốt cảm xúc của mình và dẫn đến tình trạng stress nghề nghiệp, từ đó, không muốn gắn bó với nghề, không hào hứng, tâm huyết với việc giảng dạy và giáo dục học sinh. Năng lực cảm xúc – xã hội sẽ giúp giáo viên biết cách ứng xử với chính bản thân mình, cụ thể, có khả năng nhận biết và quản lý tốt cảm xúc của mình, ứng phó hiệu quả với stress, từ đó, họ dành trọn tâm huyết của mình cho trong công việc “trồng người”. Thứ hai, năng lực cảm xúc – xã hội nâng cao sức khoẻ tinh thần của giáo viên, năng lực cảm xúc – xã hội và sức khoẻ tinh thần của học sinh. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, chương trình SEL có thể giúp giáo viên giảm thiểu mức độ stress, hài lòng hơn với cuộc sống; mức độ quan tâm, chăm sóc đến đời sống tinh thần của học sinh cũng được tăng lên [5]; theo đó, sức khoẻ tinh thần của học sinh cũng được cải thiện.

      Nhìn chung, năng lực cảm xúc – xã hội của giáo viên ảnh hưởng đến học sinh và môi trường học tập trên những khía cạnh cụ thể sau:

     - Năng lực cảm xúc – xã hội của giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh: Những năng lực quản lý cảm xúc, thấu hiểu, lắng nghe đồng cảm, giao tiếp phi bạo lực… sẽ giúp giáo viên thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp với học sinh. Sự bình tĩnh, tư duy tích cực và cởi mở có nhiều khả năng “cảm hoá” được các học sinh cá biệt.

       - Giáo viên tác động đến một cách trực tiếp đến việc hình thành các năng lực cảm xúc – xã hội của học sinh: Dạy học là một nghề “dùng một nhân cách để giáo dục một nhân cách”. Những hành vi, cách cư xử của giáo viên như tấm gương phản chiếu đến học sinh. Học sinh lĩnh hội từ giáo viên không chỉ là những kiến thức trên lớp mà còn là những cách thức giáo viên điều chỉnh hành vi và cảm xúc; giải quyết các tình huống căng thẳng cũng như cách tương tác, giáo tiếp với những người xung quanh.

      - Năng lực cảm xúc – xã hội của giáo viên ảnh hưởng đến việc tổ chức và quản lý lớp học: Sự bình tĩnh, quản lý cảm xúc tốt cũng  như sự thấu hiểu sẽ giúp giáo viên tổ chức lớp học hiệu quả, khuyến khích tính tích cực, sáng tạo của học sinh.

2.2. Các hoạt động phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho đội ngũ giáo viên của Trường THPT Đakrông, tỉnh Quảng Trị

      Với những tác động mà năng lực cảm xúc – xã hội mang lại, hiện nay, một số nước trên thế giới đã đưa nội dung này vào trong chương trình đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những năng lực này mới chỉ được đề cập ở một số phương diện nhất định, lồng ghép trong các môn nghiệp vụ sư phạm. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, cần thiết phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho giáo viên. Dưới đây là những hoạt động mà Trường THPT Đakrông đã tiến hành nhằm phát triển năng lực này.

      Đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động của năm học với chủ đề “Xây dựng Trường học Hạnh phúc”. Mục tiêu của chương trình này là đem lại hạnh phúc cho giáo viên và học sinh để “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Trường THPT Đakrông là trường đóng trên huyện miền núi, thuộc trong 64 huyện nghèo của cả nước, đại bộ phận các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, ý thức, động cơ học tập thấp, nhiều học sinh bỏ học, trong số các nguyên nhân bỏ học được học sinh đưa ra, đó là thầy, cô giáo chưa biết cách thể hiện sự yêu thương, tôn trọng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu; thái độ cư xử chưa phù hợp khi học sinh không làm được bài; do đó, không ít học sinh đã bỏ học với tỷ lệ hàng năm tương đối cao, trung bình 5%/năm. Chương trình “Trường học Hạnh phúc” sẽ nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, vị thế của nhà giáo trong giai đoạn hiện nay, khắc phục những khiếm khuyết trong công tác giáo dục, đồng thời, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo dựng niềm tin đối với đội ngũ nhà giáo.

      Nền tảng của “Trường học Hạnh phúc” là chương trình Học tập cảm xúc – xã hội. Nhà trường xác định chương trình bắt đầu từ người giáo viên. Giáo viên cảm thấy hạnh phúc thì mới có thể tạo dựng hạnh phúc được cho học sinh. Chính vì vậy, 07-08/9/2018, nhà trường đã mời chuyên gia về tập huấn kỹ năng cảm xúc – xã hội cho giáo viên. Các giáo viên đã được tập huấn và thực hành về các kỹ năng như: điều tiết cảm xúc tiêu cực, nuôi dưỡng các cảm xúc tích cực, lắng nghe, giao tiếp phi bạo lực…

TS.Đinh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, ĐHSP Huế giảng bài Kỹ năng cảm xúc - xã hội

 

       Những tư tưởng về xây dựng “Trường học Hạnh phúc” và đợt tập huấn về kỹ năng cảm xúc – xã hội đã được báo Giáo dục và Thời đại đưa tin (https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/thay-co-giao-duoc-tap-huan-truong-hoc-hanh-phuc).

      Tiếp nối chương trình tập huấn đó, đợt tập huấn thứ 2 nhằm vận dụng một số kỹ năng cảm xúc – xã hội học được vào trong công tác tư vấn học đường đã được tiến hành vào ngày

22/9/2018. Tại đợt tập huấn này, giáo viên có cơ hội được xây dựng chương trình phòng ngừa các vấn đề về sức khoẻ tinh thần dựa trên chương trình học tập cảm xúc – xã hội.

TS.Đinh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, ĐHSP Huế giảng bài Tư vấn Tâm lý học đường

      Sau hai đợt tập huấn, nhà trường đã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình “Trường học Hạnh phúc” ở Trường THPT Đakrông với các nội dung:

     - Tổ chức các hoạt động giáo dục kết nối bản thân người học: Ứng xử với chính mình, giúp bản thân người học: nhận ra cảm xúc của mình, học cách để quản lý, điều chỉnh cảm xúc, đề ra và đạt những mục tiêu tích cực;

      - Tổ chức các hoạt động giáo dục kết nối người học với người khác: Giáo dục cho học sinh ứng xử với người khác: giúp cá nhân phát triển sự cảm thông, đồng cảm, thấu cảm với người khác, thiết lập và duy trì các mối quan hệ một cách tích cực; đưa ra quyết định có trách nhiệm;

      - Tổ chức các hoạt động giáo dục kết nối người học với thiên nhiên: Giáo dục học sinh học cách tôn trọng và bảo vệ môi trường và sống hòa hợp với thiên nhiên

       Kế hoạch bước đầu được thực hiện vào trong 3 tháng: 10, 11 và 12 với các chủ đề như sau:

      - Tháng 10: Chủ đề “Cảm xúc của bạn và tôi”

      - Tháng 11: Chủ đề “Nuôi dưỡng các cảm xúc tích cực”

      - Tháng 12: Chủ đề “Quan tâm đến người khác”

      Cách thức thực hiện các nội dung và chủ đề trên như sau:

     + Mỗi tháng, Hiệu trưởng sẽ nói chuyện trước cờ về quản lý cảm xúc tiêu cực; nuôi dưỡng cảm xúc tích cực: lòng biết ơn, sự tử tế; sự đồng cảm, kỹ năng lắng nghe; giao tiếp phi bạo lực.

     + Hàng tuần giáo viên chủ nhiệm sẽ giáo dục, hướng dẫn học sinh thực thành các nội dung trên vào các buổi sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt 15 phút đầu giờ và tiết sinh hoạt lớp.

     + Mỗi tháng tổ chức cuộc thi vận dụng các kỹ năng để giáo dục, tích hợp trong quá trình dạy học của giáo viên.

     + Cuối mỗi học kì có sơ kết, cuối năm học có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, tổ chức khen thưởng các tập thể cá nhân thực hiện tốt phong trào xây dựng mô hình “Trường học Hạnh phúc”.

     Những hoạt động bước đầu của nhà trường đã được chia sẻ trong Ngày hội Tâm lý học và Giáo dục học lần thứ 5 với chủ đề: “Tâm lý học Giáo dục học – Đồng hành xây dựng Trường học Hạnh phúc” tại Trường Đại học Sư phạm Huế vào ngày 6 -7/10/2019. Những chia sẻ của nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng của quý vị đại biểu tham gia hội nghị. Một điều may mắn của nhà trường là chương trình truyền hình VTV7 sẽ đến ghi hình các hoạt động về “Trường học Hạnh phúc” của nhà trường vào đầu tháng 11.

Đồng chí Lê Chí Thông – Hiệu trưởng trường THPT Đakrông, chia sẻ hoạt động của nhà trường tại Ngày hội tâm lý tại
 Đại học Sư phạm Huế, ngày 06/10/2018

3. Kết luận và khuyến nghị

3.1. Kết luận

     Có thể nói, xã hội luôn đặt ra những yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của nhà giáo. Bởi lẽ, “người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”, tâm đức, phẩm hạnh là yếu tố làm nên căn cốt của một con người, nhất là những người thầy. Và sản phẩm của giáo dục là con người, không được phép “phế phẩm”; phẩm chất, năng lực của nhà giáo có ý nghĩa quan trọng tới việc hình thành và phát triển nhân cách của người học. Người thầy giáo chân chính dạy học trò không chỉ bằng vốn tri thức, hiểu biết, mà còn bằng chính nhân cách của mình, để cảm hóa, để giáo dục và khai sáng. “Dạy chữ” là quan trọng, nhưng việc “dạy người” còn quan trọng hơn. Mục đích của việc học đã được UNESCO khẳng định: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”, nói cách khác, học để làm người.         Cho nên người học thường lấy hình ảnh các nhà giáo làm hình mẫu để noi theo. Những bài giảng nhiệt huyết, say mê; lương tâm cùng tinh thần trách nhiệm; sự tận tụy của nhà giáo; tấm gương học tập và rèn luyện cùng nhân cách trong sáng của người thầy sẽ tạo một dấu ấn vô cùng sâu đậm trong tâm hồn các thế hệ học sinh.

      Các hoạt động nâng cao năng lực kỹ năng cảm xúc – xã hội cho đội ngũ nhà giáo ở Trường THPT Đakrông bước đầu đã tạo được sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hạnh động của mỗi một giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ. Mọi người đã yêu thương nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn, hợp tác với nhau nhiều hơn, đặc biệt, là tình yêu thương học sinh, thấu hiểu cảm xúc của học sinh, quan tâm, tôn trọng học sinh hơn, từ đó các tiết học được thực hiện hiệu quả hơn. Học sinh bước đầu đã có ý thức hơn trong nhiệm vụ học tập, có ý thức trách nhiệm với bản thân, với trường lớp.

3.2. Khuyến nghị

3.2.1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

     - Đẩy mạnh phát triển năng lực cảm xúc – xã hội trong các chương trình đào tạo giáo viên thông qua chính sách. Năng lực cảm xúc - xã hội cần trở thành một trong các tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của giáo viên và chuẩn năng lực đầu ra của sinh viên sư phạm để đảm bảo rằng tất cả các sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đều có năng lực cảm xúc - xã hội và áp dụng những kiến thức và kỹ năng về SEL để dạy cho học sinh của họ trong tương lai.

     - Có những đánh giá, nghiên cứu thực nghiệm thí điểm kiểm nghiệm sự tác động của chương trình phát triển năng lực cảm xúc – xã hội trong chương trình đào tạo giáo viên dẫn đến sự cải thiện năng lực cảm xúc – xã hội, sức khoẻ tinh thần và thành tích học tập của học sinh. Các nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng để những nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục có cơ sở thực chứng, khoa học trong việc phát triển phát triển năng lực cảm xúc – xã hội thành một phần cơ bản và cần thiết trong chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

     - Cần có những chính sách đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có dân tộc thiểu số, vì ngoài công việc giảng dạy và giáo dục học sinh, họ còn làm nhiệm vụ đến từng gia đình để vận động con em dân tộc thiểu số đi học.

3.2.2. Đối với các trường đào tạo giáo viên

      - Cần thiết kế chương trình đào tạo giáo viên phù hợp với các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới. Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cảm xúc – xã hội cho sinh viên trước khi trở thành nhà giáo. Đấy mạnh đào tạo nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo ngay khi đang còn là sinh viên.

      - Cần có nghiên cứ để đưa chương trình phát triển năng lực cảm xúc – xã hội vào trong chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm giáo viên.

     - Khi tổ chức cho các đoàn sinh viên đi thực tập, thực tế cần quan tâm đưa về các vùng sâu, vùng xa để sinh viên thích nghi với môi trường giáo dục (một nữa thời gian ở các thành phố và đồng bằng, sau đó chuyển đổi cho các nhóm khác dành một nữa thời gian trong chương trình thực tập về các trường vùng sâu, vùng xa).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Thị Kim Anh (2016). Thực trạng và giải pháp phát triển năng lực đội ngũ giáo viên phổ thông bậc trung học trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Nhà xuất bản ĐHSP, tr. 427-434.
  2. Trần Thị Tú Anh, Nguyễn Phước Cát Tường, Đinh Thị Hồng Vân (2017). Phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho sinh viên sư phạm- Một hướng tiếp cận mới trong đào tạo giáo viên. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”. NXB Đại học Huế.
  3. Trần Thị Tú Anh (chủ nhiệm đề tài) và các cộng sự (2018). Phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động dạy học. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ, mã số: B2016-DHH-05. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
  4. Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết Số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
  5. Jennings, P.A &  Greenberg, M.T. (2009). The prosocial classroom: Teacher social and emotional competence in relation to student and classroom outcomes. Review of Educational Research Spring, 79, 491–525. doi: 10.3102/0034654308325693

Johnson, S., Cooper, C., Cartwright, S., Donald, I., Taylor, P., & Millet, C. (2005). The experience of work related stress across occupations. Journal of Managerial Psychology, 20, 178–187. doi: 10.1108/02683940510579803

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết